Để trẻ có thể phát triển toàn diện, việc dạy trẻ kỹ năng sống là vô cùng cần thiết. Dưới đây mà 10 kỹ năng mà bố mẹ nào cũng nên dạy trẻ từ sớm.
Có rất nhiều bố mẹ chú trọng việc dạy trẻ học thật tốt những kiến thức trong sách vở, trên trường lớp mà quên mất rằng việc dạy trẻ kỹ năng sống ngay từ khi còn nhỏ là vô cùng quan trọng và cần thiết. Bởi những kỹ năng này sẽ giúp ích rất nhiều cho trẻ trong việc hình thành và hoàn thiện các hành vi ứng xử, giúp trẻ xử lý các vấn đề trong cuộc sống tốt hơn, trở thành người lịch sự, văn minh và có trách nhiệm với những việc mình làm.
1. Dạy trẻ kỹ năng sống về cách làm việc nhóm
Với sự phát triển của khoa học công nghệ, thế giới ngày nay đã trở thành một ngôi làng toàn cầu. Việc dạy trẻ làm việc nhóm và biết chấp nhận sự khác biệt của mọi người là rất cần thiết. Để có thể dạy kỹ năng sống cho trẻ mầm non, ngay từ bây giờ, bố mẹ hãy khuyến khích trẻ chơi chung với bạn bè, tham gia nhiều hoạt động nhóm. Nhờ những việc này, trẻ sẽ học được cách chơi nhóm hay làm việc nhóm cùng bạn bè. Thông qua đó, bố mẹ cũng có thể dạy cho trẻ cách nhìn thoáng hơn và hài hòa hơn với những người có quan điểm khác biệt với trẻ.
2. Đọc sách
Một trong những kỹ năng bố mẹ cần lưu ý trong quá trình dạy kỹ năng sống cho trẻ đó là giúp trẻ hình thành thói quen đọc sách. Sách được coi là kho tàng tri thức của loài người và việc đọc mang lại rất nhiều lợi ích cho trẻ như khuyến khích trẻ học tập và khám phá nhiều hơn. Để giúp trẻ thích đọc sách, ngoài việc tạo môi trường đọc cho trẻ, bố mẹ còn nên là tấm gương và cùng trẻ đọc sách mỗi ngày.
3. Biết thể hiện ý kiến cá nhân
Bố mẹ nên khuyến khích tự lên tiếng để nói ra ý kiến của bản thân ngay từ bây giờ bằng cách lắng nghe mỗi khi trẻ nói. Nhờ thế, trẻ sẽ tự tin nói ra những điều mình muốn với thái độ tôn trọng. Biết thể hiện ý kiến cá nhân là một kỹ năng mà bố mẹ cần trang bị cho trẻ trong cuộc sống hiện đại.
4. Giải quyết bất đồng một cách thân thiện
Trong cuộc sống, việc bất đồng khó có thể tránh khỏi nhất là khi sự cạnh tranh trong các ngành nghề được đẩy lên cao. Chính vì thế, khi dạy trẻ kỹ năng sống, bố mẹ không nên bỏ qua việc rèn luyện khả năng giải quyết bất đồng một cách bình tĩnh và thân thiện.
Khi trẻ gặp bất đồng, bố mẹ hãy khuyến khích trẻ thở sâu, cân nhắc tất cả khía cạnh của một vấn đề bằng cách đặt câu hỏi “tại sao”, “nếu mà”. Nhờ cách này, trẻ sẽ tập trung vào vấn đề, bỏ qua yếu tố con người và dễ dàng kiểm soát được những cảm xúc nguy hiểm như trẻ cáu giận hay đánh bạn.
5. Thể hiện lòng tốt và giúp đỡ người khác
Lòng tốt không chỉ là một tiêu chí để đánh giá một con người mà còn là cách dễ nhất để chạm vào trái tim người khác, khiến mọi người yêu quý và nể phục. Ngay từ bây giờ, bố mẹ hãy khuyến khích trẻ thể hiện lòng tốt, sự chân thành và giúp đỡ người khác càng nhiều càng tốt nhé.
Bố mẹ cũng nên làm gương cho trẻ trong ứng xử hàng ngày, với trẻ và với mọi người xung quanh, phân tích cho trẻ hiểu thế nào là lòng tốt, khi nào nên thể hiện lòng tốt đúng cách, đúng người. Bố mẹ cũng hãy thường xuyên giúp đỡ trẻ trong những công việc và hoạt động hàng ngày để trẻ cảm nhận và hiểu được giá trị của sự giúp đỡ, từ đó biết cách ứng xử phù hợp với mọi người.
6. Biết nhận lỗi và biết tha thứ
Bố mẹ nên phân tích cho trẻ hiểu rằng ai cũng có thể mắc lỗi nhưng sự tha thứ sẽ giúp những lỗi lầm đó được hóa giải. Chính vì thế, trẻ không nên xấu hổ hay nói dối khi phạm lỗi mà phải biết dũng cảm nhận lỗi và xin bố mẹ tha lỗi, bỏ qua cho trẻ. Đồng thời, bố mẹ cũng hãy dạy trẻ về sự khoan dung, cách tha thứ và chấp nhận lời xin lỗi của người khác nhé. Chỉ khi trẻ hiểu được giá trị của việc nhận lỗi và lòng khoan dung thì trẻ mới học được cách chịu trách nhiệm với việc mình làm và biết tha thứ cho người khác.
Sau mỗi lần phạm lỗi của trẻ, bố mẹ hãy phân tích cho trẻ thấy sự đúng, sai của việc đó, tại sao trẻ không nên làm như vậy và để trẻ tự kiểm điểm về hành vi của mình. Quát mắng hay đánh đòn trẻ khi chưa giải thích cho trẻ hiểu là một cách xử lý không hề tốt chút nào, thậm chí có thể gây nên nhiều hậu quả nghiêm trọng hơn về sau đấy bố mẹ ạ.
7. Luôn có thái độ sống tích cực
Cuộc sống không phải lúc nào cũng màu hồng nhưng quan trọng là chúng ta có giữ được thái độ lạc quan trước mọi thứ hay không. Bố mẹ hãy giúp trẻ nhìn ra những mặt tích cực của cuộc sống thay vì những mảng tiêu cực để trẻ biết rằng thế giới xung quanh có rất nhiều điều tốt đẹp. Bố mẹ nên khuyến khích trẻ giữ thái độ lạc quan bằng cách tạo cho trẻ niềm vui từ những điều nhỏ bé nhất. Một cuộc sống gia đình hạnh phúc cũng chính là nguồn cơn để tạo nên thái độ sống lạc quan cho trẻ đấy bố mẹ ạ.
Trẻ nhỏ tuy rằng chưa phải trải qua nhiều khó khăn trong cuộc sống như những người trường thành nhưng những gì diễn ra xung quanh trẻ cũng sẽ có tác động rất nhiều đến thái độ sống của trẻ. Chính vì thế, nếu bố mẹ muốn dạy trẻ có thái độ sống lạc quan thì trước hết, bố mẹ phải cho trẻ thấy rằng chính bố mẹ cũng như thế. Khi trẻ gặp những chuyện không vui hay những chuyện làm trẻ thấy khó chịu, bố mẹ hãy giúp trẻ nhìn ra những mặt tích cực của sự việc đó, phân tích cho trẻ hiểu và nếu có thể hãy gợi ý cho trẻ cách giải quyết phù hợp để giảm căng thẳng cho trẻ, bố mẹ nhé!
8. Bảo vệ môi trường
Trái đất và môi trường của chúng ta đang bị hủy hoại nghiêm trọng bởi con người và nếu thế hệ sau không biết gìn giữ thì ngôi nhà chung này sẽ sớm lụi tàn. Bố mẹ hãy cho trẻ thấy sự quan trọng của việc bảo vệ môi trường, giúp trẻ hình thành tình yêu với động thực vật, có ý thức bảo vệ môi trường từ những việc nhỏ nhất như không vứt rác bừa bãi, giữ gìn vệ sinh nơi ở sạch sẽ, trồng cây xanh...
Dạy trẻ kỹ năng sống là dạy trẻ biết bảo vệ môi trường sống xung quanh.
9. Biết vệ sinh cá nhân
Dạy trẻ kỹ năng sống chính là dạy trẻ biết tự vệ sinh cá nhân ngay từ khi còn nhỏ. Bố mẹ nên bắt đầu từ việc dạy trẻ làm sạch răng miệng, tắm rửa sạch sẽ và chuẩn bị quần áo. Nhớ đừng quên giành lời khen khi trẻ làm đúng bố mẹ nhé.
10. Giáo dục giới tính
Tuy giáo dục giới tính khá nhạy cảm nhưng bố mẹ không nên vì thế mà trốn tránh vấn đề này. Khi trẻ đủ lớn, bố mẹ nên giải thích cho trẻ tầm quan trọng của tình yêu và quan hệ tình dục an toàn. Hãy cho trẻ biết đâu là “vùng cấm” trên cơ thể và dạy trẻ cách để bảo vệ bản thân trong mọi trường hợp. Điều này sẽ giúp trẻ biết cách phòng tránh khỏi những trường hợp xấu như bị lạm dụng hay xâm hại tình dục.
Không bao giờ là quá sớm để dạy trẻ kỹ năng sống. Đặc biệt, ở những độ tuổi nhạy cảm như 2 tuổi, 3 tuổi hay 5 tuổi, việc này lại càng quan trọng và cần thiết. Dạy kỹ năng sống cho trẻ 3 tuổi và dạy kỹ năng sống cho trẻ 5 tuổi sẽ giúp trẻ dễ dàng vượt qua được những sự khủng hoảng đầu đời, vui vẻ đón nhận những điều mới lạ và thay đổi trước mắt.