Trò chơi dân gian là di sản văn hoá của dân tộc được kết thành từ quá trình lao động, sinh hoạt hằng ngày. Nó tích tụ cả trí tuệ, niềm vui trong cuộc sống của bao thế hệ con người. Có lẽ vì thế mà những trò chơi dân gian có một sức sống lâu bền trong tâm trí mỗi người. Đó chính là những trò chơi dân gian bình dị của tuổi ấu thơ như trò chơi: Lộn cầu vồng; Mèo đuổi chuột; Oẳn tù tì; Bịt mắt bắt dê; Đua thuyền; Chi chi chành chành; Nu na nu nống; Ô ăn quan; Tập tầm vông; Rồng rắn lên mây; Kéo cưa lừa xẻ, Kéo co; Nhảy lò cò…
Phải chăng, các trò chơi dân gian đó đã mang đến cho trẻ nhiều điều bổ ích, thú vị mà vô cùng gần gũi đối với trẻ, trẻ cảm thấy yêu thế giới xung quanh mình hơn và muốn khám phá. Qua đó, đã phát triển ở trẻ khả năng sáng tạo, tư duy, quan sát, phán đoán, nhận xét, sự nhạy bén, trí tưởng tượng phong phú. Thông qua các trò chơi dân gian còn giúp trẻ tự tin hơn khi tham gia các hoạt động tập thể và hoạt động theo nhóm. Nhờ đó mà kỹ năng hợp tác trong khi chơi được hình thành và phát triển. Do đó, trò chơi dân gian không chỉ thỏa mãn nhu cầu vui chơi của trẻ mà còn góp phần hình thành nhân cách cho trẻ.
Các trò chơi dân gian: Mèo đuổi chuột; Kéo cưa lừa xẻ; Cắp cua bỏ giỏ; Nu na nu nống; Nhảy bao bố… thường được giáo viên tổ chức cho trẻ chơi mọi lúc, mọi nơi, trong các hoạt động hằng ngày như: Hoạt động đón trẻ, hoạt động góc, hoạt động ngoài trời, hoạt động chiều…, hoạt động giao lưu giữa các khối lớp, ngày hội, ngày lễ của nhà trường…
Và sau đây là một số hình ảnh các trò chơi dân gian mà các bạn lớp MGN B2 đã tham gia chơi hào hứng, nhiệt tình, sôi nổi.