Mười hai năm gắn bó với trẻ mầm non là từng ấy năm cô luôn phấn đấu hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong công tác chăm sóc giáo dục trẻ ở các khối, lớp khác nhau. Với cô, yêu nghề, mến trẻ là tố chất, còn đam mê là đi tìm "Niềm vui trong mắt trẻ thơ".
Người viết muốn nhắc tới cô giáo Hoàng Thị Thu Hằng – giáo viên trường mầm non Long Biên A – quận Long biên – thành phố Hà Nội. Cô Hoàng Thị Thu Hằng vào nghề năm 2009 khi ấy cô mới 21 tuổi. Với 4 năm công tác tích lũy kinh nghiệm tại trường Mầm non tư thục Tuổi thơ - phường Bồ Đề. Năm 2013, cô thi đỗ Viên chức về trường Mầm non Long Biên - quận Long Biên. Với sức trẻ, đam mê cống hiến và sáng tạo, khi Quận thực hiện chủ trương tách trường năm 2019, cô đã xung phong ra ngôi trường mới mầm non Long Biên A. Hiện tại, Cô Hằng là giáo viên - tổ phó chuyên môn khối khối MG bé - trường mầm non Long Biên A - quận Long Biên. Với 33 tuổi đời, 12 năm kinh nghiệm công tác trong môi trường giáo dục mầm non tư thục và công lập. Từng ấy năm gắn bó với con trẻ, một trong những "tài sản" quý cô Hằng luôn lưu giữ là những đoạn video, tin nhắn của phụ huynh học sinh gửi đến cô. Trong đó chứa đựng cảm xúc, sự biểu cảm của con trẻ qua ánh mắt, nụ cười rạng rỡ, lời nói ngây thơ thể hiện sự gắn bó, quý mến cô giáo. Hay đơn giản là những tin nhắn của phụ huynh chứa đựng sự tin tưởng, tri ân với cô, thậm chí có phần hụt hẫng khi con phải tạm biệt cô để chuyển trường hoặc lên lớp.
Giáo dục mầm non dường như khó nhất trong các cấp học. Giáo viên mầm non vừa phải "chăm sóc" vừa phải "giáo dục" trẻ. Giai đoạn hiện nay, khi chất lượng giáo dục luôn được quan tâm với đòi hỏi ngày càng cao, thì mỗi thầy cô giáo đều nỗ lực thay đổi, sáng tạo để đáp ứng yêu cầu đặt ra. Tuy nhiên, với lứa tuổi mầm non, điều đó không hề đơn giản. Bởi muốn làm những điều tốt nhất cho trẻ ở trường học thì trước tiên phải làm cho trẻ hết sợ, hết khóc, cảm thấy thích và vui khi đến trường; sẵn sàng xa bố mẹ để vào lớp cùng cô giáo. Với kiến thức được học trên trường cùng kinh nghiệm thực tế, cô Hằng đã nỗ lực đi tìm "Niềm vui trong mắt trẻ thơ" với thông điệp "BA THÂN" của riêng mình. Đó là:
"THÂN TÍN" dành cho cha mẹ học sinh. Cô nắm thông tin của cha mẹ học sinh trong buổi sinh hoạt đầu năm; nắm hoàn cảnh gia đình học sinh thông qua danh bộ; nhận diện từng phụ huynh trong mỗi buổi đưa đón con. Thông qua môi trường mạng, cô chủ động lập nhóm zalo lớp để trao đổi tình hình; nhắn tin hoặc trao đổi qua điện thoại với từng phụ huynh các vấn đề liên quan đến con. Sự tương tác hai chiều đã tạo nên sợi dây liên kết chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình nói chung, cô giáo và cha mẹ học sinh nói riêng. Nhiều vấn đề được trao đổi kịp thời, cởi mở đã tạo nên niềm tin và sự tín nhiệm của cha mẹ học sinh dành cho cô. Chính sự tín nhiệm, gần gũi của cha mẹ học sinh đã từng bước giúp cô rút ngắn khoảng cách với mỗi trẻ trong lớp.
Cô giáo Hoàng Thị Thu Hằng thân thiết, gần gũi với các học sinh
"THÂN THIỆN" dành cho học sinh. Đối với trẻ, cô luôn coi như người thân, như con của mình. Sự thân thiện khi đón trẻ, trả trẻ; ân cần chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ; người bạn đồng hành, cùng học cùng chơi trong mỗi giờ lên lớp. Không chỉ thuộc tên, thuộc mặt, thuộc thông tin bố mẹ học sinh cung cấp, mà qua mỗi ngày tiếp xúc, cô Hằng còn nhận diện và định hình tính cách của từng trẻ trong lớp. Từ đó, cô có cách tiếp cận phù hợp, thân thiện nhưng vẫn đảm bảo sự nghiêm túc, hiệu quả trong nuôi dạy.
Cô giáo Hoàng Thị Thu Hằng
tham gia Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp Quận |
"THÂN CHINH" dành cho bản thân. Để dạy cho trẻ mầm non những hiểu biết ban đầu về mọi thứ xung quanh đòi hỏi người giáo viên phải nắm vững kiến thức, tâm lý lứa tuổi, đồng thời, phải có phương pháp giảng dạy phù hợp, sáng tạo giúp trẻ hứng khởi, hăng hái tham gia vào bài học. Cô Hằng xác định tự bản thân mình phải phấn đấu, xung kích đi đầu trong việc dạy học trên lớp cũng như luôn là người tiên phong trong các cuộc vận động, cuộc thi do nhà trường và ngành giáo dục phát động. Do đó, cô đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, tận dụng môi trường mạng, không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức, vận dụng sáng tạo trong thiết kế bài giảng điện tử, trình chiếu, dựng clip với nội dung phong phú. Các góc học tập ở lớp được cô trang trí với hình thức, màu sắc đa dạng, đồ dùng đầy tính sáng tạo. Cô cũng khéo léo lồng ghép những năng khiếu của bản thân về múa, hát, kể chuyện cùng lời nói truyền cảm để tạo nên những tiết dạy lý thú, bổ ích cho trẻ. Không chỉ là những tiết thi giáo viên giỏi cấp Quận, những tiết hội giảng, tiết chuyên đề mà ngay cả những tiết học hàng ngày, trẻ đều được cô lôi cuốn vào những lời giảng nhẹ nhàng, truyền cảm, đồng thời, khơi gợi cho trẻ được hiểu sâu và sáng tạo hơn. Là giáo viên có kinh nghiệm, cô như người mẹ thứ hai luôn lắng nghe và thấu hiểu từng trẻ nhỏ để động viên khích lệ trẻ kịp thời. Là người phụ trách chuyên môn khối bé, cô Hằng luôn chủ động tham mưu cho Ban giám hiệu nhà trường và phối hợp cùng đồng nghiệp xây dựng kế hoạch, ngân hàng nội dung giáo dục phù hợp với các độ tuổi trẻ trong nhà trường gắn với tình hình thực tiễn. Không những thế, cô còn nhiệt tình và gương mẫu đi đầu trong các Hội thi giáo viên dạy giỏi, hội thi làm đồ dùng, đồ chơi tự tạo, ... Sẵn sàng mang kinh nghiệm chia sẻ với các đồng nghiệp về chuyên môn cũng như giúp đỡ, đóng góp ý tưởng cho các giáo viên tham gia hội thi.
Trẻ say sưa hoạt động trong góc học tập
|
Không chỉ làm tốt thông điệp "BA THÂN" để tìm "Niềm vui trong mắt trẻ thơ", cô giáo Hoàng Thị Thu Hằng còn tích cực tham gia các hoạt động của trường. Là đoàn viên, cô gương mẫu đi đầu trong các hoạt động tình nguyện vệ sinh môi trường, phòng chống dịch…do tổ chức đoàn phát động. Là công đoàn viên, cô tích cực đóng góp ý kiến trong việc thực hiện dân chủ trong trường học, tham gia các cuộc thi do công đoàn cấp trên tổ chức. Cùng với nhà trường thực hiện tốt phong trào thi đua “ Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; cuộc vận động “ Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”…Với nỗ lực rèn luyện không ngừng, liên tục trong những năm công tác, cô Hằng đã giải nhì Hội thi “Giáo viên giỏi cấp quận” năm học 2018 -2019, được UBND Quận Long Biên trao tặng các danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở"năm học 2018- 2021: 2019-2020; Công đoàn quận Long Biên công nhận là "Gương điển hình tiên tiến" giai đoạn 2015-2020; UBND phường Long Biên tặng Giấy khen trong công tác khuyến học, khuyến tài và nhiều năm liền đạt lao động tiên tiến. Tháng 4/2021, cô vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Có thể nói, những danh hiệu trên không chỉ là niềm tự hào của cô giáo Hoàng Thị Thu Hằng mà nó còn góp phần xây dựng truyền thống cho ngôi trường mầm non Long Biên A sau 3 năm đi vào hoạt động. Bản thân cô Hằng đã xây dựng được niềm tin trong các đồng nghiệp, sự quý mến và cảm phục của cha mẹ học sinh đối với một nhà giáo trẻ tận tâm với nghề. Rất nhiều học sinh của cô khi rời trường mầm non đã trở thành con ngoan trò giỏi trong các cấp học tiếp theo.
Cô giáo Hoàng Thị Thu Hằng nhận "Gương điển tình tiên tiến" giai đoạn 2015 - 2020
|
Dừng bút cho bài viết này, tôi chợt nhớ thông điệp "Mỗi ngày đến trường là một ngày vui" mà ngành giáo dục đặt ra cho cấp học mầm non. Có lẽ, càng thực hiện tốt thông điệp này, chúng ta càng trân quý lòng yêu nghề, mến trẻ và đam mê đi tìm "Niềm vui trong mắt trẻ thơ" của cô giáo Hoàng Thị Thu Hằng.