PHÒNG CHỐNG NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM
Thực phẩm là nguồn cung cấp các chất dinh dưỡng cho cơ thể nhưng nếu thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thì lại có thể là nguồn gây bệnh. Thực phẩm có thể gây bệnh ở nhiều khâu từ sản xuất đến vận chuyển, bảo quản, chế biến, nấu ăn và cách ăn. Bởi vậy, để chủ động phòng ngừa ngộ độc thực phẩm cần lưu ý:
1. Lựa chọn sử dụng thực phẩm đảm bảo an toàn
Nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng; hiểu đúng, dùng đúng thực phẩm bảo vệ sức khỏe, biết cách chọn mua, chế biến, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm an toàn; cách đọc nhãn, mác thực phẩm. Kiên quyết từ chối các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn. Khi phát hiện những hành vi vi phạm về ATTP cần thông báo ngay cho các cơ quan chức năng tại địa phương để có biện pháp xử lí kịp thời.
2. Giữ vệ sinh nơi ăn uống và chế biến thực phẩm
- Khu vực chế biến thực phẩm không có nước đọng, xa các khu khói, bụi bẩn, nhà vệ sinh hoặc khu chăn nuôi gia súc, rác thải gây ô nhiễm môi trường.
- Tất cả các bề mặt sử dụng để chuẩn bị thực phẩm phải dễ cọ rửa, luôn giữ gìn sạch sẽ, khô ráo.
- Bếp phải đủ ánh sáng và thông gió.
- Phải đủ nước sạch sử dụng để chế biến thực phẩm và vệ sinh khu vực chế biến thường xuyên.
- Ngăn ngừa sự đi lại của gián, chuột và các động vật khác trong khu vực chế biến thực phẩm.
3. Sử dụng đồ dùng nấu nướng và ăn uống sạch sẽ
- Không để dụng cụ bẩn qua đêm.
- Bát đĩa dùng xong phải rửa ngay. Không dùng khăn ẩm mốc, nhờn mỡ để lau khô bát đĩa. Nếu dụng cụ vừa rửa xong cần dùng ngay thì nên tráng lại bằng nước sôi.
- Dụng cụ tiếp xúc với thức ăn chín và sống phải để riêng biệt.
- Không sử dụng những dụng cụ bị sứt mẻ, hoen gỉ vì khó rửa.
- Thức ăn còn thừa, thực phẩm thải bỏ phải đựng vào thùng kín có nắp đậy và chuyển đi hằng ngày.
- Chỉ sử dụng xà phòng, các chất tẩy rửa dụng cụ ăn uống được ngành Y tế cho phép để không tồn dư gây độc sang thực phẩm.
- Không dùng dụng cụ bằng đồng, nhôm, thủy tinh gia công, nhựa tái sinh có màu để nấu nướng, chứa đựng thực phẩm lỏng có tính acid hoặc các loại cồn rượu vìchúng có thể làm tan các kim loại nặng như chì, đồng … hoặc phụ gia vào thực phẩm.
- Tuyệt đối không được dùng bao bì từng chứa đựng các hóa chất độc, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thuốc tẩy, chất sát trùng để đựng thực phẩm.
4. Giữ vệ sinh cá nhân tốt
- Cần rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước khi cho trẻ ăn hoặc tiếp xúc với thức ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi tiếp xúc với thực phẩm tươi sống.
- Mặc quần áo sạch sẽ, đầu tóc gọn gàng khi chuẩn bị thức ăn.
- Không ho, hắt hơi trong khi chuẩn bị thực phẩm.
- Giữ móng tay ngắn và sạch sẽ.
- Nếu có vết thương ở tay cần băng kín bằng vật liệu không ngấm nước.
- Không tiếp xúc với thực phẩm khi đang bị đau bụng, tiêu chảy, nôn, sốt hay có biểu hiện của bệnh truyền nhiễm.
Hãy thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm để bữa ăn không là nguồn gây bệnh mà sẽ là nguồn sức khoẻ, nguồn vui và hạnh phúc ở tất cả mọi người!