PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH MÙA ĐÔNG-XUÂN
I. Bệnh “Tay, chân, miệng”
1. Những biểu hiện của bệnh:
Trẻ mắc bệnh tay - chân - miệng (TCM) sẽ có những biểu hiện như sốt nhẹ, chán ăn, mệt mỏi, đau họng, nổi nốt phỏng nước. Ban đầu có những chấm đỏ xuất hiện 1-2 ngày sau khi sốt, sau đó tiến triển thành phỏng nước và vỡ ra thành vết loét. Phỏng nước cũng xuất hiện ở da, thường thấy ở lòng bàn tay, bàn chân, niêm mạc miệng, lưỡi và mặt trong của má.
Bệnh TCM lây truyền cao nhất trong tuần đầu của bệnh, bệnh lây trực tiếp từ người sang người.
+ Qua tiếp xúc trực tiếp với phân, dịch tiết mũi họng, dịch tiết của các nốt phỏng nước bị vỡ.
+ Qua tiếp xúc trực tiếp với phân, dịch tiết mũi họng, dịch tiết của các nốt phòng nước bị vỡ.
+ Qua tiếp xúc giữa các trẻ với nhau hoặc đồ chơi, bàn ghế, sàn nhà… bị nhiễm viruts.
+ Qua đường tiêu hóa do ăn uống phải thực phẩm bị nhiễm mầm bệnh.
2. Các biện pháp phòng bệnh.
Hiện nay chưa có vaccin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, mọi người cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh sau:
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn trước khi ăn hoặc sau khi đi vệ sinh.
- Khi trẻ mắc bệnh phải cho nghỉ học để cách ly tránh lây bệnh cho các trẻ khác.
- Vệ sinh răng miệng và thân thể trẻ luôn sạch sẽ, không cậy vỡ nốt phỏng nước để tránh nhiễm trùng và lây lan bệnh cho người khác.
- Cần tăng cường dinh dưỡng, nâng cao thể trạng cho trẻ, cho trẻ ăn thức ăn mềm lỏng dễ tiêu.
- Không cho trẻ mút tay, không cần kiêng cữ gió và ánh sáng, không chọc vỡ bọng nước, không đắp lá cây vì sẽ gây nhiễm trùng da.
- Vệ sinh môi trường, khử trùng lớp học và các đồ chơi của trẻ.
- Khi trẻ bị mắc bệnh TCM cần cho trẻ nghỉ học không đến lớp để tránh lây truyền bệnh cho những trẻ khác.
- Cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất khi có những dấu hiệu nghi ngờ để được khám và điều trị kịp thời.
II. Bệnh “Sởi”
1. Những biểu hiện của bệnh:
Bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, gây dịch lưu hành phổ biến ở trẻ em, bệnh xuất hiện quanh năm nhưng thường xảy ra dịch vào những tháng đông - xuân. Phương thức lây truyền bệnh bằng đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với chất tiết của mũi họng bệnh nhân. Bệnh sởi có tính lưu truyền cao, chỉ có thể cắt đứt được sự lây truyền của bệnh trong cộng đồng khi đạt được > 95% tỷ lệ miễn dịch bảo vệ đặc hiệu trong cộng đồng.
Bệnh có biểu hiện như: sốt, viêm long đường hô hấp trên và phát ban, có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như tiêu chảy, viêm phổi, viêm giác mạc thậm chí có thể viêm não dễ dẫn đến tử vong. Tất cả những người chưa bị mắc bệnh sởi hoặc chưa được gây miễn dịch đầy đủ bằng vắc xin sởi đều có cảm nhiễm với bệnh sởi.
2. Các biện pháp phòng bệnh:
Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh sởi, việc điều trị chủ yếu để phòng bội nhiễm và điều trị các biến chứng nặng do sởi gây ra. Bệnh nhân cần được cách ly, hạ sốt khi sốt cao, bồi phụ nước và điện giải qua đường uống, chỉ truyền dịch khi người bệnh nôn nhiều. Các biện pháp phòng bệnh:
- Tiêm vắc xin sởi là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Thực hiện tiêm chủng 2 mũi vắc xin cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng theo qui định của chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia (Mũi 1 tiêm khi trẻ 9-12 tháng tuổi, mũi 2 tiêm khi trẻ 18 đến 23 tháng tuổi). Không có vắc xin nào có hiệu quả bảo vệ 100%. Nếu trẻ được tiêm một mũi vắc xin sởi lúc 9 tháng tuổi, chỉ có 80-85% trẻ có đáp ứng miễn dịch. Nếu trẻ được tiêm thêm mũi vắc xin sởi thứ hai lúc 18 tháng tuổi thì tỷ lệ bảo vệ là 90-95%.
Sau khi mắc sởi xong hoặc sau sau khi được tiêm đủ 2 mũi vắc xin theo lịch tiêm chủng thì có miễn dịch có thể bền vững suốt đời.
Các bà mẹ phải thực hiện đầy đủ các hướng dẫn của cán bộ y tế khi đưa trẻ đi tiêm chủng.
- Cách ly người bệnh và vệ sinh cá nhân: Người bệnh sởi phải được cách ly tại nhà hoặc tại cơ sở điều trị theo nguyên tắc cách ly đối với bệnh lây truyền qua đường hô hấp bằng cách:
+ Sử dụng khẩu trang phẫu thuật cho người bệnh, người chăm sóc, tiếp xúc gần và nhân viên y tế.
+ Hạn chế việc tiếp xúc gần không cần thiết của nhân viên y tế và người thăm người bệnh đối với người bệnh.
+ Thời gian cách ly từ lúc nghi mắc sởi cho đến ít nhất 04 ngày sau khi bắt đầu phát ban.
+ Tăng cường vệ sinh cá nhân, sát trùng mũi họng, giữ ấm cơ thể, nâng cao thể trạng để tăng sức đề kháng.
- Phòng lây nhiễm trong bệnh viện, cơ sở y tế:
+ Đối với những trẻ mắc sởi ở các thể nhẹ hoặc các bệnh thông thường khác, các gia đình nên hạn chế đưa trẻ lên bệnh viện tuyến trên nơi đang điều trị các ca sởi nặng nhằm hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
+ Phát hiện sớm và thực hiện cách ly đối với các đối tượng nghi sởi hoặc mắc sởi.
+ Không tụ tập đông người tại khu điều trị.
+ Người vào thăm bệnh nhân phải thực hiện tốt vệ sinh thân thể và rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi thăm bệnh nhân.
+ Khu khám bệnh và điều trị phải riêng biệt, luôn sạch sẽ, thông khí tốt.
III. Bệnh “Cúm”:
Ở nước ta, hiện đang là mùa đông - xuân, nhiệt độ môi trường liên tục thay đổi, đặc biệt sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn… làm cho cơ thể con người phải tiêu tốn nhiều năng lượng, sức đề kháng giảm, những người sức khỏe yếu, trẻ em hoặc không thích nghi kịp sẽ dễ bị nhiễm bệnh, ốm. Mặt khác, điều kiện môi trường trong khoảng thời gian này cũng rất thuận lợi cho các mầm bệnh (vi khuẩn, vi rút) phát triển và lây lan, càng làm tăng nguy cơ mắc bệnh của con người, nhất là với các bệnh như cúm, bệnh đường hô hấp (viêm phế quản, viêm phổi), sởi, rubella, tiêu chảy… Với những người mắc các bệnh mãn tính thì đây cũng là thời gian để bệnh dễ tiến triển thành các đợt cấp, nặng hơn nhất là với người già và trẻ em.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh mùa đông - xuân, chủ động thực hiện các biện pháp nâng cao sức khỏe, phòng chống dịch bệnh như sau:
1. Tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch (đối với các bệnh có vắc xin phòng bệnh như: sởi, rubella, ho gà…).
2. Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh; ủ ấm cho trẻ em khi đi xe máy, khi ra ngoài trời; khi làm việc ngoài trời, ra ngoài trời vào ban đêm, sáng sớm phải mặc đủ ấm, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu.
3. Tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm như cúm, bệnh đường hô hấp, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu… Hạn chế đến những chỗ đông người.
4. Ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng. Ăn cân đối các nhóm dưỡng chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Uống nước ấm, tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh.
5. Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày.
6. Đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh gia đình, giữ ấm nhà cửa.
7. Khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh truyền nhiễm cần thông báo ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn, khám và xử trí kịp thời.