TRUYỆN CỔ TÍCH SỰ TÍCH HỒ GƯƠM
Ngày ấy, giặc Minh kéo đến xâm lược và đặt ách đô hộ lên nước ta.
Ở đâu chúng cũng đàn áp, bóc lột nhân dân ta thậm tệ.
Lòng dân ngày càng phẫn uất, ai ai cũng căm ghét quân Minh đến tận xương tuỷ.
Vào hồi đó, ở làng Như Áng, huyện Lượng Giang, phủ Thanh Hoá có một hào trưởng có tên là Lê Lợi.
Lê Lợi không những có sức khoẻ phi thường, tinh thông võ nghệ mà còn giỏi cách cầm quân đánh giặc.
Ông vốn giàu lòng từ thiện, bao dung nên rất được mọi người mến mộ.
Nhìn cảnh nhân dân lầm than, điêu đứng trước sự tàn bạo của giặc Minh, Lê Lợi đã triệu tập binh mã, tích trữ lương thảo, chờ thời cơ vùng lên khởi nghĩa chống quân xâm lược.
Cùng thời gian ấy, ở Thanh Hoá có một người tên là Lê Thận, thường đánh cá trên bờ sông gần bến đò Mục Sơn.
Một đêm nọ như mọi ngày, Thận thả lưới ở một bến vắng.
Trong một lần kéo lưới chàng thấy nằng nặng tay.
Chàng có ý mừng thầm trong bụng vì chắc mẩm sẽ được một mẻ cá lớn.
Nhưng khi kéo lưới lên thì chàng chỉ nhìn thấy một thanh sắt cũ.
Chàng liền vứt thanh sắt đó xuống nước, rồi đi đến chỗ khác để thả lưới.
Lần thứ hai cất lưới lên, Lê Thận vẫn thấy nặng tay.
Nhưng khi kéo lên thì lại vẫn là thanh sắt đó mắc vào lưới.
Tức giận, Thận ném luôn thanh sắt xuống nước rồi lại đi thả lưới ở khúc sông khác xa hơn.
Kéo lưới lần thứ ba lên vẫn thấy thanh sắt ấy.
Thận thấy chuyện lạ bèn mang thanh sắt đó về nhà.
Sau khi đã cọ rửa sạch thanh sắt rồi đưa lại gần lửa để xem, Lê Thận phát hiện ra đó chính là một lưỡi gươm báu đã thất truyền từ lâu trong dân gian.
Về sau, khi Lê Lợi thành lập nghĩa quân Lam Sơn, Lê Thận cũng xin gia nhập và trở thành một trong số những người thân tín nhất của Lê Lợi.
Một đêm nọ, chủ soái Lê Lợi cùng vài người tuỳ tùng đến chơi nhà Lê Thận.
Trong căn nhà tối om, lưỡi gươm mà Lê Thận kéo lưới được tự nhiên ánh lên những tia sáng lạ thường.
Lê Lợi đến gần cầm lên xem, nhận ra trên thanh gươm có khắc chìm hai chữ “Thuận Thiên” có nghĩa là vâng theo ý trời.
Nhưng lúc này vẫn chưa có ai nghĩ đó là một vật báu hiếm có.
Bấy giờ, do nghĩa quân mới thành lập nên quân lính còn ít, lại thường hay bị giặc Minh đuổi đánh nên nghĩa quân gặp rất nhiều khó khăn.
Một lần, quân khởi nghĩa do Lê Lợi chỉ huy thua nặng.
Bị quân giặc đuổi đánh phía sau, Lê Lợi vội vàng chạy trốn vào một khu rừng gần đó.
Đến giữa rừng, đột nhiên Lê Lợi nhìn thấy một vầng ánh sáng rất khác thường trên ngọn một cây đa.
Vốn là người can đảm, Lê Lợi bèn trèo lên cây xem thì thấy có một chuôi gươm nạm ngọc mắc trên cây.
Chợt nhớ tới lưỡi gươm ở nhà Lê Thận đêm hôm nào, Lê Lợi liền giắt chuôi gươm vào lưng rồi tìm đường trở về doanh trại.
Ngày hôm sau, khi gặp lại nghĩa quân trong đó có cả Lê Thận, Lê Lợi lấy chuôi gươm ra rồi lắp vào với lưỡi gươm của Lê Thận thì thấy vừa như in.
Sau khi Lê Lợi kể cho mọi người nghe câu chuyện của mình, thì ai ai cũng vô cùng ngạc nhiên và vui sướng.
Mọi người liền quỳ rạp xuống và nói với Lê Lợi:
– Đó là trời đất có ý phó thác cho minh công làm việc lớn.
Chúng tôi nguyện đem hết sức mình phò tá Người để hoàn thành nghiệp lớn.
Từ đó, chiếc gươm thần luôn bên mình Lê Lợi, cùng ông tung hoành trong các trận đánh, khiến cho quân địch phải nhiều phen khốn đốn.
Sau mười năm gian khổ kháng chiến chống quân xâm lược nhà Minh (từ 1418 đến 1427), Lê Lợi đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa của nhân dân đi đến thắng lợi cuối cùng, thống nhất đất nước.
Lê Lợi lên ngôi vua lấy hiệu Lê Thái Tổ, lập nên nhà hậu Lê.
Từ đó, dân chúng được an cư lạc nghiệp, vui hưởng thái bình.
Một năm sau, vào một ngày đẹp trời, vua Lê Thái Tổ cưỡi thuyền rồng dạo chơi trên hồ Tả Vọng.
Khi thuyền ra tới giữa hồ, đột nhiên xuất hiện một con rùa lớn, nhô đầu lên khỏi làn nước trong xanh, tiến về phái thuyền nhà vua.
Chiếc thuyền rồng bỗng đi chậm dần rồi dừng lại, thanh gươm thần bên mình nhà vua tự nhiên động đậy.
Rùa vàng hướng đầu về phía nhà vua rồi cất tiếng nói:
– Xin bệ hạ hoàn lại gươm thần cho Long Quân.
Vua chợt hiểu ra, rút vội thanh gươm báu rồi quỳ xuống nâng lên ngang đầu.
Thanh gươm thần rời khỏi tay nhà vua, bay về phía Rùa vàng.
Rùa vàng há miệng ngậm ngang thanh gươm rồi từ từ lặn xuống nước.
Tuy cả gươm và Rùa vàng đã chìm sâu xuống nước rồi, nhưng trên mặt hồ vẫn ánh lên một vệt sáng kỳ lạ.
Vua Lê Thái Tổ liền cho truyền các văn võ bá quan tới và phán rằng:
– Đức Long Quân đã cho ta mượn thanh gươm báu để diệt trừ giặc Minh, xây dựng cơ đồ.
Nay đất nước đã bình yên, nên Ngài sai Rùa vàng lên lấy lại gươm báu.
Kể từ ngày đó hồ Tả Vọng được đổi tên là Hồ Hoàn Kiếm hay còn gọi là Hồ Gươm.