Ở Việt Nam, truyền thuyết về tết Trung thu gắn liền với chị Hằng và chú Cuội. Chuyện kể rằng, ngày xưa có nàng tiên nữ là Hằng Nga, xinh đẹp và rất yêu trẻ con. Nàng mong muốn được xuống trần gian chơi cùng trẻ em nhưng tiên giới không cho phép.
Khi Ngọc Hoàng tổ chức cuộc thi "Làm bánh ngày rằm", Hằng Nga đã xuống trần gian để học cách làm bánh ngon. Tại đây, Hằng Nga gặp được Cuội - anh chàng chuyên gia nói dóc. Cuội bày cho Hằng Nga cách là cứ bỏ tất cả nguyên liệu hòa lại rồi đem nướng lên.
Nhưng bất ngờ thay, khi chiếc bánh ra lò thơm phức, các em nhỏ ăn đều khen rất ngon. Hằng Nga trở về cung trăng và đem những chiếc bánh để dự thi.
Nhưng vì Cuội lưu luyến không muốn rời xa Hằng Nga nên đã nắm lấy tay nàng và sức mạnh kì lạ đã kéo cả chàng cùng cây đa đầu làng lên tận cung trăng. Ngồi trên cây đa, Cuội có thể thấy bọn trẻ đang chơi đùa, nên nhớ nhà và chỉ biết ngồi khóc và buồn bã.
Những chiếc bánh của Hằng Nga đã giành giải nhất và lấy tên là "bánh Trung thu". Nàng cầu xin Ngọc Hoàng cho phép nàng cùng chú Cuội được xuống trần gian chơi cùng các em nhỏ vào rằm tháng tám hàng năm. Từ đó, Ngọc Hoàng đặt tên cho rằm tháng tám là "Tết Trung thu" - dịp tết vui chơi của các em nhỏ.
Những chiếc bánh mà Hằng Nga làm đã đạt giải nhất và được đặt tên là "bánh Trung thu". (Ảnh nguồn: Internet)
Hàng năm, cứ đến rằm tháng tám, người ta tổ chức rước đèn, múa rồng, múa lân dưới ánh trắng để làm kỷ niệm chú Cuội, chị Hằng, đàn thỏ xuống mặt đất để liên hoan vui chơi.
Ý nghĩa Tết Trung Thu
Theo phong tục người Việt, bố mẹ bày cỗ cho các con để mừng trung thu, mua và làm đủ thứ lồng đèn thắp bằng nến để treo trong nhà và để các con rước đèn.
Cỗ mừng Trung thu gồm bánh trung thu, kẹo, mía, bưởi, và các thứ hoa quả khác nữa. Đây là dịp để con cái hiểu được sự săn sóc quí mến của cha mẹ đối với mình một cách cụ thể. Vì thế, tình yêu gia đình lại càng khắng khít thêm.
Cũng trong dịp này người ta mua bánh trung thu, trà, rượu để cúng tổ tiên, biếu ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, họ hàng, và các ân nhân khác. Đây là dịp tốt để con cháu tỏ lòng biết ơn ông bà cha mẹ và để người đời tỏ lòng săn sóc lẫn nhau.
Trong ngày nay, các nơi đều tổ chức múa Sư Tử hay Múa Lân. Con Lân tượng trưng cho điềm lành.
Thời xưa, người Việt còn tổ chức hát trống Quân trong dịp Tết Trung thu. Điệu hát trống quân theo nhịp ba "thình, thùng, thình." Ngày xưa trai gái dùng điệu hát trống quân để hát trong những đêm trăng rằm, nhất là vào rằm tháng tám. Trai gái hát đối đáp với nhau vừa để vui chơi vừa để kén chọn bạn trăm năm. Người ta dùng những bài thơ làm theo thể thơ lục bát hay lục bát biến thể để hát.
Tết Trung Thu là một phong tục rất có ý nghĩa. Đó là ý nghĩa của chăm sóc, của báo hiếu, của biết ơn, của tình thân hữu, của đoàn tụ, và của thương yêu. Cần cố gắng duy trì và phát triển ý nghĩa cao đẹp này.