heo Viện Dinh dưỡng quốc gia, dinh dưỡng trong phòng chống COVID-19 chính là dinh dưỡng hợp lý theo nguyên tắc dinh dưỡng cho từng đối tượng (theo lứa tuổi, theo bệnh mạn tính hiện đang mắc). Chế độ dinh dưỡng hợp lý là quan trọng nhất, ăn đa dạng thực phẩm giúp cơ thể khỏe mạnh, tăng cường miễn dịch chứ không có một loại thực phẩm riêng biệt nào có tác dụng phòng ngừa COVID-19.
(Hình minh họa)
Viện Dinh dưỡng quốc gia đã đưa ra hướng dẫn về chế độ dinh dưỡng hợp lý trong dự phòng COVID-19. Cụ thể, về việc đảm bảo dinh dưỡng hợp lý cần:
- Ăn đủ số lượng thực phẩm theo tháp dinh dưỡng theo lứa tuổi của Viện Dinh dưỡng; ăn đủ 3 bữa chính, không bỏ bữa, có thể thêm 1-3 bữa phụ;
- Với người mắc bệnh cần thực hiện đúng chế độ dinh dưỡng phù hợp bệnh lý theo sự tư vấn của cán bộ dinh dưỡng hoặc bác sĩ;
- Uống đủ nước và thực hiện uống nước đúng cách, cơ thể hàng ngày cần khoảng 2-2,5 lít nước từ thực phẩm và đồ uống để bù lại lượng nước mất qua các con đường khác nhau.
- Về việc đa dạng thực phẩm để hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể cần: ăn đa dạng thực phẩm, phối hợp nhiều loại thực phẩm trong bữa ăn và đủ 4 nhóm thực phẩm chính: nhóm cung cấp chất bột đường (gạo, bún, phở, bánh mì, ngô, khoai và các sản phẩm chế biến); nhóm cung cấp chất đạm/protein (thịt, cá, các loại thủy hải sản, trứng, sữa, các loại đậu hạt và các sản phẩm chế biến); nhóm cung cấp vitamin, chất khoáng và chất xơ (rau lá, rau củ quả, trái cây/quả chín…); nhóm cung cấp chất béo (dầu, mỡ, các loại hạt có dầu). Người trưởng thành nên ăn dầu thực vật, dầu cá, hạn chế mỡ động vật; ngược lại trẻ em ăn mỡ động vật tốt hơn ăn dầu.
- Không nên ăn mặn, mỗi ngày chỉ nên ăn dưới 5 g muối.
- Ngoài ra, để phòng chống các bệnh như đái tháo đường, tim mạch, huyết áp, người dân cần hạn chế uống rượu, bia và không hút thuốc lá, thuốc lào.
Việc nắm vững kiến thức về dinh dưỡng, khéo lựa chọn thực phẩm sẵn có phù hợp với điều kiện của gia đình và tổ chức bữa ăn hợp lý sẽ góp phần quan trọng nâng cao sức đề kháng cho cả gia đình, chiến thắng dịch Covid-19.