Sáng ngày 27/12/2021, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức mít tinh hướng ứng Ngày quốc tế phòng, chống dịch bệnh với chủ đề “Tăng cường quản lý nhóm nguy cơ” dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến với 63 Sở Y tế các tỉnh thành/phố trực thuộc Trung ương.
Tham dự cuộc mít tinh tại điểm cầu Bộ Y tế có PGS.TS.Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế; đồng chí Phạm Quang Hiệu - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; TS. Ki-dong Park - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam; đại diện các, Bộ, Ban/ngành; các Vụ, Cục, Văn phòng thuộc Bộ Y tế.
PGS.TS.Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại mít tinh
Phát biểu tại cuộc mít tinh, PGS.TS.Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, cuộc mít tinh hưởng ứng Ngày quốc tế phòng, chống dịch bệnh là một trong số các hoạt động nhằm mang đến thông điệp về tầm quan trọng của việc tất cả mọi người đều được tiêm chủng, vai trò của của chính quyền các cấp, các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước đối với hoạt động tiêm chủng phòng bệnh nói chung và tiêm chủng phòng COVID-19, trách nhiệm của người dân trong việc chủ động, tự giác thực hiện tiêm chủng đầy đủ.
Thứ trưởng cho biết thêm, đáp ứng với tình hình dịch tại Việt Nam cùng với những nỗ lực vượt bậc trong kiểm soát dịch bệnh, ngay từ năm 2020, Chính phủ và Bộ Y tế đã tích cực triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 với chiến lược “Chủ động ngăn chặn - phát hiện sớm - cách ly kịp thời - khoanh vùng gọn- dập dịch triệt để - điều trị hiệu quả”; các hoạt động giám sát, xét nghiệm, truy vết, điều tra, xử lý ổ dịch, điều trị bệnh nhân đã được triển khai hiệu quả với nhiều hình thức linh hoạt phù hợp với diễn biến dịch. Đặc biệt đã thực hiện tiếp cận các nguồn vaccine phòng COVID-19 từ sớm qua nhiều phương thức khác nhau như tham gia Chương trình COVAX Facility, đàm phán song phương với các nhà sản xuất, ngoại giao vaccine với các tổ chức quốc tế và chính phủ nhiều nước.
Hình ảnh các điểm cầu tham dự trực tuyến
Đến ngày 24/12/2021 cả nước đã tiêm được gần 144 triệu liều vaccine trong tổng số hơn 166 triệu liều vaccine đã phân bổ. Tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 liều vaccine là 79% và tỷ lệ bao phủ đủ vaccine liều cơ bản là 66% tổng dân số Việt Nam. Đến nay tỷ lệ này đã vượt mức mục tiêu mà Tổ chức Y tế thế giới đề ra đến hết năm 2021, 40% dân số của mỗi quốc gia được tiêm vaccine phòng COVID-19
Đối với nhóm người từ 18 tuổi trở lên, tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 liều vaccine là 98% và tỷ lệ tiêm đủ liều cơ bản là 86%. Từ tháng 11/2021 các tỉnh, thành phố đã bắt đầu triển khai tiêm vaccine cho trẻ em từ 12 tuối đến dưới 18 tuổi. Với tiến độ tiêm chủng hiện nay, đến hết tháng 12 năm 2021, toàn quốc sẽ đảm bảo bao phủ mũi 1 cho dân số từ 18 tuổi trở lên và cơ bản bao phủ mũi 2 (khoảng 90%), đồng thời cũng sẽ bao phủ cơ bản đủ liều cơ bản cho trẻ em từ 12 tuổi theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.
Để tăng cường miễn dịch phòng bệnh COVID-19 cho những người đã được tiêm chủng đủ liều cơ bản, căn cứ các khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và kinh nghiệm sử dụng vaccine của các quốc gia khác, Bộ Y tế đã hướng dẫn việc triển khai tiêm bổ sung, tiêm nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên và các tỉnh, thành phố đã bắt đầu triển khai thực hiện.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực của các địa phương, đơn vị trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, tốc độ tiêm chủng cũng như tỷ lệ bao phủ vaccine của Việt Nam đã đạt tới mức độ cao trong khu vực và trên thế giới. Nhờ đó Việt Nam có thêm nhiều cơ hội để thành công trong công tác ngoại giao vaccine và tiếp cận được nhiều vaccine hơn so với số đã được cam kết từ đầu năm 2021. Đây là kết quả rất quan trọng trong công tác bảo vệ sức khỏe nhân dân và góp phần tạo điều kiện thuận lợi để từng bước đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới.
Hình ảnh tại điểm cầu Bộ Y tế
Tại cuộc mít tinh Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đề nghị:
1. Tuyệt đối không lơ là, chủ quan, bám sát tình hình, sớm phát hiện các chủng mới xâm nhập vào Việt Nam; tăng cường các biện pháp giám sát, truy vết, điều tra, xử lý ổ dịch. Người dân tiếp tục nâng cao tinh thần chủ động phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
2. Thực hiện quản lý chặt chẽ nhóm nguy cơ cao trên địa bàn; tổ chức rà soát, lập danh sách, thống kê tất cả những người thuộc nhóm nguy cơ cao; tổ chức tiêm vét vaccine, thực hiện tiêm vaccine phòng COVID-19 lưu động ngay tại nhà, bảo đảm không bỏ sót người thuộc nhóm nguy cơ; tổ chức chăm sóc và điều trị người mắc COVID-19 thuộc nhóm nguy cơ cao theo dõi sức khỏe, xử trí và điều trị ngay khi phát hiện mắc COVID-19.
3. Khẩn trương chỉ đạo, tổ chức thực hiện tiêm chủng an toàn, nhanh nhất có thể, thực hiện tiêm vaccine phòng COVID-19 lưu động ngay tại nhà, không để sót, đặc biệt người có bệnh nền, người trên 50 tuổi; đến ngày 31/12/2021 phải hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên; hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 12-18 tuổi trong tháng 01/2022, mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trong Quý I/2022.
4. Toàn bộ người dân đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam hãy đi tiêm chủng vaccine phòng COVID-19. Tiêm chủng không chỉ là quyền lợi, trách nhiệm của mỗi cá nhân mà còn là trách nhiệm đối với cộng đồng.
5. Các cơ quan truyền thông, thông tấn, báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động để người dân thực hiện các khuyến cáo phòng, chống dịch; hiểu đúng lợi ích, hiệu quả của vaccine và tầm quan trọng của tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.
6. Các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế thế giới, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, Liên minh toàn cầu về vaccine và Tiêm chủng (GAVI)… và Chính phủ các nước tiếp tục đồng hành, hỗ trợ cho công tác tiêm chủng Việt Nam.
Đồng chí Phạm Quang Hiệu, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao phát biểu tại mít tinh
Đồng chí Phạm Quang Hiệu, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết: Ngày quốc tế phòng, chống dịch bệnh trên toàn cầu có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần nâng cao nhận thức của từng cá nhân, cộng đồng, quốc gia và quốc tế về tầm quan trọng của công tác phòng ngừa, chuẩn bị sẵn sàng và hợp tác nhằm ứng phó với dịch bệnh. Cụ thể:
Thứ nhất, các hoạt động kỷ niệm ngày 27/12 sẽ nhắc nhở tất cả chúng ta về những tác động mà các dịch bệnh đã gây ra, từ đó luôn giữ một nhận thức thường trực về tầm quan trọng của việc đưa nội dung phòng ngừa dịch bệnh vào mọi hoạt động của chúng ta.
Thứ hai, các hoạt động kỷ niệm sẽ cho thấy rõ hơn tầm quan trọng của việc nâng mức độ sẵn sàng để có thể ứng phó nhanh hơn và phù hợp hơn với bất kỳ dịch bệnh nào có thể phát sinh. Thế giới thấy rõ hơn sự cấp thiết có các hệ thống y tế hiệu quả, có khả năng tự cường, có thể phục vụ đến cả những người dễ bị tổn thương, có khả năng thực hiện hiệu quả Điều lệ Y tế quốc tế năm 2005.
Thứ ba, các hoạt động kỷ niệm ngày 27/12 sẽ tái khẳng định tầm quan trọng của hợp tác, đoàn kết quốc tế và chủ nghĩa đa phương trong ứng phó với dịch bệnh, của quan hệ hợp tác và đoàn kết giữa mọi cá nhân, cộng đồng và quốc gia cũng như các tổ chức khu vực và quốc tế trong mọi giai đoạn của quản lý dịch bệnh.
“Được giao làm Tổ trưởng Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine, Bộ Ngoại giao coi đây là trọng tâm lớn của ngành. Bộ Ngoại giao đã phát huy vai trò của mạng lưới hơn 90 Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cùng với sự phối hợp của Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan triển khai một cách quyết liệt, toàn diện và hiệu quả công tác vận động các bạn bè, đối tác quốc tế hỗ trợ các nỗ lực phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam, nhất là về vaccine, trang thiết bị, vật tư y tế, kết nối, thúc đẩy chuyển giao công nghệ vaccine và thuốc điều trị; tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế về phòng, chống dịch bệnh và các biện pháp phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội để cùng các Bộ ngành tham mưu cho Chính phủ. Có thể nói, nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác ngoại giao vaccine đã đạt kết quả rất quan trọng, đóng góp tích cực vào việc thực hiện mục tiêu vừa bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng nhân dân, vừa khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 như Nghị quyết 128 ngày 11/10/2021 của Chính phủ” - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh
Thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục nỗ lực tối đa để đồng hành với ngành Y tế nỗ lực chung toàn cầu, thúc đẩy hợp tác và đoàn kết quốc tế nhằm phòng ngừa, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các dịch bệnh, trong đó có thúc đẩy tiếp cận công bằng vaccine và điều trị COVID-19.
Ông Antonio Guterres, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc phát biểu trực tuyến tại mít tinh
Tổng Thư ký Liên Hợp quốc ông Antonio Guterres cho biết, COVID-19 chứng minh rằng, một căn bệnh truyền nhiễm có thể hoành hành trên toàn thế giới một cách nhanh chóng và ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của toàn nhân loại.
Tổng Thư ký Liên Hợp quốc nhấn mạnh, COVID-19 sẽ không phải là đại dịch cuối cùng mà nhân loại phải đối mặt. Các bệnh truyền nhiễm vẫn là mối nguy hiểm rõ ràng và hiện hữu đối với mọi quốc gia. Khi đối phó với cuộc khủng hoảng sức khỏe này, chúng ta cần chuẩn bị cho cuộc khủng hoảng tiếp theo. Điều đó có nghĩa là cần đầu tư nhân rộng vào các kế hoạch giám sát, phát hiện sớm và phản ứng nhanh tốt hơn ở mọi quốc gia - đặc biệt là những quốc gia dễ bị tổn thương nhất.
Nhà lãnh đạo Liên Hợp quốc kêu gọi đảm bảo quyền tiếp cận công bằng với các biện pháp như tiêm vaccine cho mọi người, đồng thời phổ cập bảo hiểm sức khỏe toàn dân... “xây dựng tình đoàn kết toàn cầu để mang lại cho mọi quốc gia cơ hội cùng nhau chiến đấu ngăn chặn các bệnh truyền nhiễm có khả năng xảy ra. Một đợt bùng phát ở bất cứ đâu cũng là một đại dịch tiềm ẩn. Chúng ta hãy dành sự tập trung, chú ý và đầu tư xứng đáng cho vấn đề này" - Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh trong thông điệp của mình.
TS. Ki-dong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam phát biểu tại mít tinh
Theo TS. Ki-dong Park - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam: sáng kiến của Việt Nam về mít tinh Ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh được đưa ra đúng vào thời điểm đại dịch COVID-19 tiếp tục lây lan mạnh mẽ và gây ra những hậu quả nặng nề cho nhân loại nên đã nhận được sự ủng hộ và quan tâm của cộng đồng quốc tế. Điều này cho thấy vai trò ngày càng lớn mạnh của Việt Nam, là một đối tác quan trọng trong lĩnh vực an ninh y tế toàn cầu.
Nhấn mạnh lại thông điệp “không có ai an toàn trừ khi tất cả chúng ta an toàn”, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cam kết hỗ trợ Chính phủ Việt Nam nói chung và ngành Y tế nói riêng trong việc nâng cao năng lực ứng phó với đại dịch COVID-19 như một phần cốt lõi trong nhiệm vụ tổng thể, rộng lớn để hướng tới một thế giới khỏe mạnh hơn và để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững./.