Bộ yêu cầu không tiêm mũi 2 Moderna hay vaccine khác cho người đã tiêm mũi 1 AstraZeneca và những người đã tiêm vaccine Sinopharm, Pfizer, Moderna mũi 1 thì mũi hai chỉ tiêm vaccine cùng loại.
Bộ Y tế vừa có công văn gửi Dự án Tiêm chủng mở rộng Quốc gia - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương; Các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và Sở Y tế các tỉnh, thành phố và đơn vị trực thuộc về hướng dẫn tiêm 2 liều vaccine phòng COVID-19.
Văn bản của Bộ Y tế cho biết từ tháng 3/2021 đến nay, Bộ Y tế đã tiếp nhận nhiều loại vaccine có công nghệ sản xuất khác nhau như AstraZeneca, Pfizer/BioNtech, Moderna, Sinopharm, Sputnik V...
Qua nghiên cứu bước đầu tại một số quốc gia, đến nay, cơ quan y tế đã có bằng chứng về việc tiêm phối hợp mũi 1 là vaccine AstraZeneca và mũi 2 là vaccine Pfizer đáp ứng miễn dịch tốt. Tuy nhiên, việc tiêm trộn này có thể tăng nhẹ phản ứng thông thường sau tiêm chủng.
|
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, trừ Pfizer, không được tiêm vắc xin loại khác cho người đã tiêm AstraZeneca mũi 1. (Ảnh: TL) |
Để việc triển khai tiêm chủng an toàn, tăng diện bao phủ và đạt hiệu quả sử dụng tối đa vaccine từ các nguồn khác nhau, theo kinh nghiệm sử dụng vaccine của một số quốc gia, khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, Bộ Y tế hướng dẫn những người đã tiêm mũi 1 vaccine nào thì tốt nhất tiêm mũi 2 bằng loại đó.
"Trong trường hợp nguồn vaccine hạn chế, có thể phối hợp bằng cách tiêm mũi 2 vaccine Pfizer/BioNtech cho người đã tiêm mũi 1 bằng vaccine AstraZeneca, nếu người được tiêm chủng đồng ý (khoảng cách giữa 2 mũi tiêm là 8-12 tuần)"- văn bản của Bộ Y tế nêu rõ.
Bộ Y tế cũng yêu cầu không sử dụng vaccine do Moderna sản xuất hoặc các vaccine khác để tiêm mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1 vaccine AstraZeneca.
Đồng thời Bộ Y tế nêu rõ những người đã tiêm vaccine do Sinopharm, Pfizer, Moderna sản xuất mũi thứ 1 thì mũi thứ 2 chỉ tiêm vaccine cùng loại. Khoảng cách giữa 2 mũi tiêm theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Dự án Tiêm chủng mở rộng Quốc gia - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xây dựng hướng dẫn tiêm chủng đối với từng loại vắc xin; tổ chức tập huấn, hướng dẫn thực hành tiêm chủng và giám sát sự cố bất lợi sau tiêm chủng khi triển khai tiêm chủng.
Các Bệnh viện và đơn vị trực thuộc Bộ Y tế; Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế cấp huyện, các cơ sở tiêm chủng lập kế hoạch tiêm chủng phù hợp với sổ vắc xin được cung ứng và đối tượng tiêm chủng bảo đảm tiêm đủ liều, an toàn, đúng lịch, diện bao phủ rộng.
Bộ Y tế sẽ tiếp tục theo dõi, cập nhật thông tin và hướng dẫn triển khai tiêm chủng khi cần thiết. Bộ Y tế đề nghị các đơn vị khẩn trương triển khai thực hiện…/.