Theo BS Ngô Đức Hùng - Bệnh viện Bạch Mai, xung quanh chúng ta có nhiều người vì nhiều lý do khác nhau mà trì hoãn tiêm chủng, do đó việc mỗi cá nhân tiêm chủng vắc xin không chỉ bảo vệ cho chính mình mà còn bảo vệ những người xung quanh.
Sau khi tiêm vắc xin COVID-19, liệu có thể bị nhiễm virus hay không? câu hỏi được không it người đặt ra sau khi có một số trường hợp, dù đã tiêm vắc xin vẫn dương tính.
Tiêm vắc xin hiện vẫn được xem là giải pháp hữu hiệu để bảo vệ bản thân và những thành viên khác trong mỗi gia đình, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ - nhìn rộng hơn là cả cộng đồng. Thế nhưng đó đây, vẫn xuất hiện tâm lý e ngại khi cho rằng có người đã tiêm vắ xin rồi mà vẫn có thể nhiễm virus. Trên thực tế, câu hỏi này cần được hồi đáp như thế nào cho đầy đủ và khách quan?
Tại chương trình phát sóng số 2 của "Vắc xin- Hành trình miễn dịch", BS Ngô Đức Hùng, chuyên gia hồi sức tích cực của Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, người vừa từ các tâm dịch Hà Nam, Bắc Giang trở về, sẽ lý giải cụ thể về vấn đề này.
Theo BS Ngô Đức Hùng, bản chất của vắc xin là những thành phần virus đã được xử lý để không còn khả năng gây bệnh vào trong cơ thể con người, đồng thời giúp cho cơ thể chúng ta sản sinh ra kháng thể để chống lại tác nhân gây bệnh đó. Tuy nhiên, tuỳ theo cơ thể mỗi người lượng kháng thể sinh ra khác nhau.
Nếu lượng kháng thể sinh ra đủ nhiều thì cơ thể chúng ta sẽ hoàn toàn chống lại được các tác nhân gây bệnh tấn công từ bên ngoài vào. Nếu như lượng kháng thể sinh ra chưa đủ, chúng ta vẫn có thể nhiễm bệnh, nhưng mức độ sẽ giảm nhẹ hơn rất nhiều.
"Trong 6 tuần đi chống dịch tại Hà Nam và Bắc Giang, tôi thấy có những bệnh nhân "siêu lây nhiễm"- là những bệnh nhân có tải lượng virus rất lớn, một mình họ có thể lây ra nhiều người khác. Còn ở những bệnh nhân đã tiêm vắc xin thì do cơ thể đã có sẵn kháng thể nên có khả năng kìm hãm sự phát triển của virus. Do đó, tải lượng virus của những người này thấp nên khả năng phát tán ra những người xung quanh sẽ thấp hơn nhiều"- BS Ngô Đức Hùng nhấn mạnh.
Cũng theo BS Hùng, xung quanh chúng ta có nhiều người vì nhiều lý do khác nhau mà trì hoãn tiêm chủng, do đó việc mỗi cá nhân tiêm chủng vắc xin không chỉ bảo vệ cho chính mình mà còn bảo vệ những người xung quanh.