Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, ngành Giáo dục gặp nhiều khó khăn thách thức do đại dịch COVID-19 gây ra, nhưng toàn ngành nói chung và đội ngũ thầy, cô giáo đã khắc phục khó khăn, biến nguy thành cơ.
Phát biểu tại buổi gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 diễn ra vào sáng nay (14/11) tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các thầy giáo, cô giáo.
Thủ tướng ghi nhận, các thầy, cô đã có nhiều thành tích xuất sắc trong sự nghiệp GD&ĐT. Các thầy, cô cũng chính là những tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo, tận tâm, tận hiến cho sự nghiệp trồng người. Nhân đây, Thủ tướng gửi lời cảm ơn, tri ân đến các thế hệ nhà giáo đã có những đóng góp cho sự nghiệp "trồng người". Đồng thời, mong muốn các thầy, cô tiếp tục cống hiến hết mình cho sự nghiệp GD&ĐT của nước nhà.
Theo Thủ tướng, trong suốt những năm qua, Đảng, Nhà nước và Nhân dân luôn đánh giá cao những đóng góp của các nhà giáo trên mọi miền của đất nước cho sự nghiệp "trồng người" cao cả, rộng hơn là cho sự nghiệp xây dựng vào bảo vệ Tổ quốc; nhất là những giáo viên vùng sâu, vùng xa.
Bên cạnh chia sẻ với những khó khăn, thách thức của ngành Giáo dục, Thủ tướng ghi nhận, những năm gần đây, giáo dục đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Giáo dục Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế như cải thiện vị trí xếp hạng các trường đại học trong các bảng xếp hạng khu vực và quốc tế.
Gần 2 năm qua, giáo dục gặp nhiều khó khăn thách thức do đại dịch COVID-19 gây ra, nhưng toàn ngành nói chung và đội ngũ thầy cô giáo đã khắc phục khó khăn, biến nguy thành cơ. Coi đây là cú hích để chúng ta thay đổi tư duy quản lý, phát huy sự sáng tạo trong mỗi cá nhân, gia đình, nhà trường và toàn ngành Giáo dục để tăng khả năng thích ứng hoàn cảnh, nhất là quản lý rủi ro. Ngoài ra, dịch COVID-19 cũng là cơ hội để ngành Giáo dục đẩy mạnh chuyển đổi số, là tiền đề cho nhiều lĩnh vực khác, tác động lớn đối với sự phát triển đất nước, cả trước mắt và lâu dài.
Có thể nói, bất kỳ trong hoàn cảnh nào, dù khó khăn đến đến đâu, toàn ngành Giáo dục, mà trong đó các thầy, cô chính là lực lượng nòng cốt, đã chủ động linh hoạt, chuyển đổi sang phương thức dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình. Nhiều thầy cô phát huy sáng tạo, tìm mọi cách để đưa bài học đến với học trò. Ngành đã tổ chức kỳ tốt nghiệp THTP thành công, được xã hội ghi nhận, đánh giá cao.
Tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, thời gian qua, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến tất cả các lĩnh vực KT-XH, trong đó có GD&ĐT. Gần 20 triệu HS, SV và hơn 1 triệu giáo viên, giảng viên trong cả nước không được tới trường trong một thời gian dài. Hàng nghìn giáo viên đang công tác tại các trường ngoài công lập không có lương, cuộc sống gặp nhiều khó khăn... Tuy nhiên toàn thể cán bộ, nhân viên, nhà giáo và cán bộ quản lý toàn ngành GD&ĐT đã khắc phục khó khăn, phát huy tinh thần trách nhiệm với nghề và với học sinh để cùng nhau đoàn kết, sáng tạo, ứng phó với dịch bệnh và mang kiến thức đến cho học sinh, sinh viên.
Tại buổi gặp mặt, Thủ tướng nhấn mạnh, hiện nay, chúng ta đang thực hiện quyết liệt các giải pháp để đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp học. Phương châm là: "lấy học sinh làm trung tâm", chú trọng phát triển con người để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
Muốn vậy, chúng ta cần "lấy nhà trường làm nền tảng", "lấy thầy, cô giáo làm động lực" để thành công cho phương châm "lấy học sinh làm trung tâm". Thủ tướng nhắc đến 3 từ khoá "kiềng 3 chân" trong cơ sở giáo dục: Nhà trường là nền tảng; thầy cô là động lực và học sinh là trung tâm. Tất cả hướng đến: học thật, thi thật và nhân tài thật.
Thủ tướng lưu ý, bên cạnh công tác phòng, chống tốt dịch bệnh, chúng ta cần thích ứng linh hoạt và hiệu quả. Nhưng không được phép chủ quan, lơ là và cũng không hoảng hốt, mất bình tĩnh. Cần có kế hoạch mở cửa trường học an toàn, vừa dạy - học vừa phòng chống COVID-19. Trước mắt có thể thí điểm và lấy người dân là chủ thể, trong đó có giáo viên, học sinh và phụ huynh.
Sau buổi tiếp kiến Thủ tướng Chính phủ, 7 Nhà giáo nhân dân, 72 Nhà giáo ưu tú thuộc các cơ sở giáo dục trực thuộc Bộ GD&ĐT, cùng 191 nhà giáo tiêu biểu năm 2021 được bình chọn từ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước và các đại học, trường đại học, cao đẳng sư phạm trực thuộc Bộ GD&ĐT tham dự Lễ trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo ưu tú, tuyên dương nhà giáo, cán bộ quản lý tiêu biểu năm 2021.
Tối nay, tại Đài truyền hình Việt Nam, các thầy cô sẽ tham dự chương trình truyền hình trực tiếp "Thay lời tri ân" năm 2021 do Bộ GD&ĐT, Công đoàn Giáo dục Việt Nam phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức.
Nguồn: suckhoedoisong.vn