1. Viêm mũi dị ứng là gì?
Dị ứng là phản ứng của cơ thể chống lại kháng nguyên lạ gây dị ứng. Viêm mũi dị ứng là tình trạng viêm niêm mạc mũi biểu hiện bằng các triệu chứng hắt hơi, ngạt mũi, ngứa mũi, chảy nước mũi qua trung gian kháng thể và xảy ra do tiếp xúc với dị nguyên trong không khí.
Bệnh viêm mũi dị ứng của trẻ được chia thành hai loại là tình trạng viêm mũi dị ứng theo mùa và viêm mũi dị ứng quanh năm.
2. Trẻ bị viêm mũi dị ứng do đâu?
Viêm mũi dị ứng do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trẻ nhỏ viêm mũi dị ứng theo mùa thường là do phản ứng của cơ thể khi gặp các vật lạ như bụi, phấn hoa, lông chó mèo hay thời tiết giao mùa, nóng lạnh thất thường. Tình trạng bệnh này rất dễ xảy ra vào mùa Đông, mùa Xuân – thời điểm phấn hoa phát tán nhiều, độ ẩm không khí cao tạo điều kiện cho nấm mốc, yếu tố gây bệnh phát triển.
Bụi nhà cũng là một trong những tác nhân gây viêm mũi xoang dị ứng quanh năm ở nhiều trẻ nhỏ. Vì vậy, cha mẹ cũng nên lưu ý đảm bảo không gian sống trong lành, sạch sẽ cho con, thường xuyên lau dọn nhà cửa, giặt chăn mền cho trẻ, hạn chế các tác nhân gây bệnh.
3. Những triệu chứng viêm mũi dị ứng ở trẻ em dễ nhận biết
Những triệu chứng viêm mũi dị ứng ở trẻ thường xuất hiện thành từng cơn sau khi tiếp xúc với dị nguyên. Cha mẹ có thể dễ dàng nhận biết con bị viêm mũi dị ứng qua một số biểu hiện sau:
– Ngứa một hay cả hai bên mũi, trẻ thường lấy tay day mũi
– Trẻ ngạt tắc mũi, nhiều lúc phải thở bằng miệng
– Mũi chảy dịch, dịch mũi thường trong suốt, loãng, không mùi, trừ khi tình trạng viêm mũi dị ứng biến chứng viêm xoang sẽ khiến dịch mũi đặc hơn, có màu vàng xanh, mùi hôi khó chịu…
– Trẻ hắt hơi nhiều, thường kèm theo chảy nước mắt, mũi mất ngửi…
4. Hỗ trợ điều trị viêm mũi dị ứng ở trẻ em như thế nào?
Hỗ trợ điều trị viêm mũi dị ứng cho trẻ tập trung làm giảm các triệu chứng bệnh. Hỗ trợ Điều trị thuốc có thể bao gồm một số loại thuốc uống và thuốc xịt tại chỗ.
Khi có chỉ định hỗ trợ điều trị thuốc từ bác sĩ, cha mẹ cần đặc biệt lưu ý cho con dùng đúng liều, không nên tự ý dùng thêm thuốc ở ngoài hoặc giảm liều dùng khi triệu chứng thuyên giảm. Cha mẹ cũng nên chú ý không sử dụng đơn thuốc cũ điều trị viêm mũi dị ứng của cơn cho các lần bệnh sau.
Trẻ bị viêm mũi dị ứng thường có cảm giác khó chịu ở mũi, ngạt mũi nên nhiều cha mẹ rất hay sử dụng thuốc nhỏ mũi có tác dụng co mạch, làm thông thoáng hốc mũi xoang hoặc bôi dầu gió để mũi thông… Tuy nhiên, việc làm này không được lạm dụng, nhất là với trường hợp trẻ nhỏ. Cách tốt nhất là khi con bệnh, cha mẹ hãy đưa con đến bệnh viện có chuyên khoa Tai mũi họng để thăm khám. Tùy từng tình trạng bệnh cụ thể của con mà bác sĩ sẽ tư vấn hướng hỗ trợ điều trị phù hợp.
5. Biến chứng viêm mũi dị ứng ở trẻ cha mẹ không nên xem nhẹ
Viêm mũi dị ứng nếu không được xem xét hỗ trợ điều trị tích cực có thể dẫn đến các biến chứng viêm mũi xoang cấp hay mạn tính do ứ đọng dịch tiết tạo thành các ổ viêm, viêm nhiễm niêm mạc mũi và xoang mũi là điều kiện để các yếu tố gây bệnh là vi khuẩn, vi rút xâm nhập gây viêm họng, viêm thanh quản, viêm tai giữa…
6. Phòng bệnh rất quan trọng để tránh viêm mũi dị ứng bị lại
Viêm mũi dị ứng ở trẻ rất dễ bị lại nếu cha mẹ không để ý đến môi trường sống, các dị nguyên có thể gây dị ứng cho con.
Để phòng viêm mũi dị ứng cho con trẻ, cha mẹ nên chú ý:
– Tránh để con tiếp xúc với phấn hoa, lông mèo, lông chó…
– Đeo khẩu trang cho con khi đi đường
– Không để con tiếp xúc với khói thuốc lá
– Vệ sinh họng miệng, mũi sạch sẽ. Nhỏ vài giọt nước muối sinh lý vệ sinh mũi cho con khi trẻ đi đường về hoặc tiếp xúc với chỗ đông người
– Vệ sinh đồ chơi sạch sẽ cho con, đảm bảo chăn mền, gối đệm luôn được vệ sinh định kì
– Khuyến khích con vận động, luyện tập thể thao, đảm bảo chế độ dinh dưỡng tốt cho con giúp con có sức đề kháng tốt nhất…