Truyện:Trạng Quỳnh dạy học
Trạng Quỳnh bỏ nhà !important; quan Bảng ra về, đi đến nửa đường thì gặp một anh thợ cày, xem bộ mặt mũi cũng sáng sủa liền lân la gạ chuyện.
– Anh đã có vợ chưa? Trông anh mặt mũi khôi ngô thế, sao không đi học?
Anh thợ cày trả lời:
– Thưa ông tôi chưa có vợ con gì cả, trước cũng theo đòi bút nghiên, hòng kiếm dăm ba chữ, nhưng dốt quá, nên phải đi cày.
– Thế bây giờ anh có muốn học hành, đỗ đạt rồi lấy gái quan Bảng không?
– Cảm ơn ông có lòng thương, tôi chỉ mong kiếm dăm ba chữ để xem văn tự, giấy má mà cũng không được, dám nói gì đến đỗ đạt. Còn việc lấy con quan Bảng thì đến ông Trạng Quỳnh cũng còn chưa chắc, huống chi tôi.
Quỳnh liền dỗ dành:
– Anh đừng ngại, quan Bảng trước thấy Quỳnh hay chữ, có ý nhắm chọn Quỳnh làm rể, nhưng sau thấy Quỳnh hữu tài vô hạnh, nên thôi không gả cho nữa. Quan chỉ muốn kén một chàng rể nết na, phải chăng thôi, còn văn chương chữ nghĩa thì cứ tàm tạm là được. Tôi trông anh cũng khôi ngô tuấn tú, nếu chịu khó học ra sẽ dạy cho, dốt mấy học mãi cũng phải khá. Ta với quan Bảng vừa là tình thầy trò, lại có tình bà con, nếu anh thuận thì rồi dần dà ta sẽ làm mối cô Điểm cho.
Anh thợ cày nghe Quỳnh nói bùi tai, mừng lắm, rước Quỳnh về nhà, thết đãi cơm rượu tử tế và để Quỳnh ở lại dạy mình học.
Quỳnh bảo anh thợ cày dọn một cái buồng học ở nơi thật kín đáo, cấm tiệt không cho ai vào và không cho ai biết là có Quỳnh ở đấy. Ngày ngày Quỳnh dạy anh kia nghêu ngao vài chữ, nhưng về cách đi đứng, ăn nói và chữ viết thì dạy rất cẩn thận. Lại bảo anh thợ cày sắm hai cái hòm sơn son, án thư ống bút và dăm ba bộ sách cổ, bày ra nhà ngoài cho có vẻ.
Được ít lâu, Quỳnh bảo anh thợ cày xin vào tập văn ở trường quan Bảng. Cứ đến kỳ văn thì anh thợ cày chỉ việc chép lại. Nhờ thế kỳ nào bài của anh thợ cày cũng được đem bình.
Quỳnh lại lập mẹo bảo anh thợ cày tìm một người bạn học hơi thông thông, đưa về nhà làm bạn học, nhưng vẫn giấu không cho biết có Quỳnh ở đấy.
Đến kỳ văn sau, Quỳnh làm hộ cả hai người, rồi cho anh thợ cày chép lại cả. Quan Bảng chấm văn thấy bài anh bạn kia xưa nay văn lý tầm thường, mà nay lại có nhiều câu trác lạc. Đem so thì thấy giống hệt nét chữ anh thợ cày, quan Bảng cho gọi anh kia ra hỏi, thì trước anh ta còn chối, sau phải thú thật là đã nhờ anh thợ cày làm hộ.
Từ đó, quan Bảng yên chí anh thợ cày là người hay chữ, kể về tài thì cũng xấp xỉ bằng Quỳnh, còn về hạnh thì ăn đứt Quỳnh, nên đem lòng yêu mến, có phần còn hơn trước kia đã yêu mến Quỳnh.
Bỗng bẵng đi vài tuần, anh thợ cày không đến trường tập văn nữa. Sau đó lại nghe tin đồn là anh ta nghỉ học để rục rịch đi dạm vợ. Quan Bảng nghe tin ấy, vội vàng bắn tin gả con gái cho.
Quỳnh biết quan Bảng đã mắc mưu, liền bảo bố mẹ anh thợ cày đem lễ đến hỏi. Quả nhiên cả quan Bảng và Thị Điểm đều bằng lòng. Quỳnh xui anh thợ cày xin cưới ngay, kẻo để lâu sợ vỡ chuyện.
Sắp đến ngày cưới, Quỳnh bảo anh thợ cày đem cày cuốc cưa thành từng đoạn, đem bỏ vào hai hòm sơn khóa lại. Xong rồi Quỳnh cắp nón ra đi. Trước khi đi, Quỳnh dặn học trò: “Ta có việc cần, phải đi xa độ vài tháng, nên không dự đám cưới anh được. Song ta có vài điều căn dặn, thì anh phải nhớ lấy chớ quên: Khi cưới vợ về thì phải lập mặt nghiêm, nếu nàng có dở văn chương chữ nghĩa ra thì tìm cách gạt đi, nếu không lòi chuôi “dốt” ra thì khốn!
Anh thợ cày vâng dạ.
Thị Điểm từ ngày về nhà chồng, thấy chồng nghiêm quá nên cũng không dám đả động gì đến chuyện văn chương phú lục. Nhưng cô ta rất lấy làm lạ là ngày nào chồng cũng chỉ xem đi xem lại có một bộ cổ văn, còn ngoại giả không thấy có sách vở gì khác nữa, nên trong lòng đã sinh nghi. Lại đôi ba lần, Thị Điểm làm thơ đưa cho chồng họa, nhưng chồng chỉ liếc mắt xem qua rồi lờ đi.
Một hôm, nhân chồng đi vắng. Thị Điểm mới cạy đôi hòm son ra xem thì chỉ thấy cày cuốc cưa vụn từng khúc vất lổng chổng ở trong đó. Ngay lúc ấy chồng về, Thị Điểm tra hỏi duyên do, anh ta đành phải thú thực đầu đuôi.
Thị Điểm lúc đó mới ngả ngửa người ra, biết là đã mắc mưu Quỳnh, nhưng trót vì tay đã nhúng chàm, đành phải đóng cửa dạy chồng học.
Rồi một hôm tự nhiên thấy Quỳnh trở lại, vừa cười vừa hỏi Thị Điểm:
– Đã biết tay Trạng Quỳnh chưa? Còn nhớ câu “… long vẫn hoàn long” nữa không?
Thị Điểm đành xin lỗi, còn anh thợ cày từ đấy mới biết thầy học mình đích thị là Trạng Quỳnh.